Chính sách BHXH mới: Đóng 10 năm nhận lương hưu, khó rút 1 lần

Nghị quyết 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã được Bộ Chính trị ban hành cách đây khá lâu. Thế nhưng, trên tinh thần Nghị quyết đó, mới đây, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi với nhiều nội dung mới đáng chú ý.
ĐÓNG BHXH 10 NĂM CŨNG ĐƯỢC NHẬN LƯƠNG HƯU

Theo chủ trương mới của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 28, điều kiện để nhận lương hưu sẽ được nới lỏng hơn rất nhiều.

Cụ thể, nếu như hiện nay, hầu hết người lao động phải đủ tuổi nghỉ hưu và đủ 20 năm đóng BHXH trở lên thì mới được hưởng lương hưu.

Thế nhưng, tại Nghị quyết 28, Bộ Chính trị khẳng định:

Sẽ sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống còn 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp, nhằm tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi, có số năm tham gia bảo hiểm xã hội thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội.

Nội dung này cũng đã được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội nêu trong dự thảo Tờ trình xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.

Cũng tại dự thảo, Bộ nhấn mạnh nhiều nước trên thế giới hiện nay cũng quy định thời gian tham gia BHXH 10 năm là đã đủ điều kiện hưởng lương hưu, mặc dù mức lương hưu có thể thấp, nhưng vẫn tốt hơn là chuyển sang hưởng trợ cấp tuổi già, hay lương hưu xã hội do ngân sách nhà nước đảm bảo.

Như vậy, nếu như nội dung trên chính thức được đưa vào Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi và được thông qua, người lao động chỉ cần đủ tuổi nghỉ hưu, đóng bảo hiểm xã hội từ 10 hay 15 năm là đã có thể hưởng lương hưu.

Điều này sẽ hạn chế được tình trạng “đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ năm đóng BHXH”

>> Xem thêm: Dịch vụ đăng ký BHXH Đà Nẵng
Cũng liên quan đến chế độ hưu trí, dự thảo Tờ trình của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội còn điều chỉnh một số nội dung như sau:

1 – Sửa đổi công thức tính lương hưu phù hợp với sửa đổi quy định về điều kiện thời gian tham gia BHXH tối thiểu để hưởng chế độ hưu trí.

Tức là, nếu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội tối thiểu được rút xuống 15 năm hoặc là 10 năm, công thức tính lương hưu cũng sẽ phải thay đổi.

Công thức tính lương hưu hiện nay đang là: Mức hưởng lương hưu hàng tháng = Tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH

2. Bổ sung quy định việc điều chỉnh lương hưu có quan tâm đến nhóm đối tượng có mức lương hưu thấp và thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu.

Hiện nay, mức lương hưu tối thiểu đang được quy định là bằng với mức lương cơ sở, tức là chỉ có 1,49 triệu đồng một tháng. Trong khi đó, người hưởng lương hưu cao nhất Việt Nam hiện nay đang nhận đến 101 triệu đồng/tháng.

VỀ GIÀ MỚI ĐƯỢC NHẬN BHXH MỘT LẦN

Số lượng người đăng ký nhận BHXH một lần đang có chiều hướng gia tăng mạnh mẽ trong những năm gần đây. Thế nhưng, trong thời gian tới, dự kiến cũng sẽ có thay đổi lớn liên quan đến quyền lợi nhận BHXH một lần của người lao động.

>> Xem thêm: Cách tính tiền bảo hiểm xã hội một lần

Tại Nghị quyết 28 về cải cách chính sách bảo hiểm, Ban Chấp hành Trung ương cũng chủ trương:

Sẽ có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần, theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần.

Như vậy, có thể hiểu, về mặt chủ trương, Nhà nước muốn khuyến khích người lao động tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu, thay vì rút tiền BHXH một lần.

Từ chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết 28, tại dự thảo Tờ trình xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, Bộ Lao động Thương binh và xã hội nhận định:

Theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị quyết 93 năm 2015 của Quốc hội, điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần khá dễ dàng. Sau một năm không làm việc, không tham gia BHXH là người lao động có thể hưởng bảo hiểm xã hội một lần với mức hưởng bằng 1,5 tháng lương cho mỗi năm tham gia bảo hiểm xã hội trước năm 2014, và 2 tháng lương cho mỗi năm tham gia sau đó.

Chốt lại, Bộ này đề xuất, điều chỉnh quy định điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo hướng có lộ trình, tiến tới chỉ giải quyết đối với người lao động khi đã hết tuổi lao động, nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu, không có nhu cầu đóng tiếp, trừ trường hợp ra nước ngoài để định cư hợp pháp hoặc mắc bệnh hiểm nghèo, hoặc quy định trường hợp chưa hết tuổi lao động, mà nhận bảo hiểm xã hội một lần thì mức hưởng thấp hơn.

Như vậy, theo Bộ này, chỉ khi người lao động hết tuổi lao động, tức là về già rồi, không đủ điều kiện hưởng lương hưu thì mới được nhận BHXH một lần.Hoặc nếu muốn rút luôn khi chưa hết tuổi lao động thì sẽ được nhận mức thấp hơn so với thông thường.Đề xuất trên cho thấy, điều kiện để nhận BHXH một lần trong thời gian tới dự kiến là sẽ khắt khe hơn hiện nay rất nhiều. Người lao động sẽ không còn được nhận ngay sau 01 năm nghỉ việc như hiện nay, mà phải đợi về già mới được nhận.

Ngoài ra, thêm một điều chỉnh về BHXH một lần được Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất, chính là:

Bổ sung quy định tính tháng lẻ giai đoạn trước 2014 để tính hưởng BHXH một lần, theo hướng nếu thời gian đóng trước ngày 01/01/2014 có tháng lẻ thì những tháng lẻ đó được chuyển sang giai đoạn đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 01/01/2014 trở đi.

>> Xem thêm: Dịch vụ kế toán – Giải pháp tối ưu cho doanh nghiệp

ĐIỀU CHỈNH NHIỀU CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM XÃ HỘI KHÁC

Ngoài những thay đổi liên quan đến lương hưu, BHXH một lần nêu trên, dự thảo Tờ trình xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi còn có một số điều chỉnh liên quan đến các chế độ khác. Điển hình như

+ Chế độ thai sản:

–  Sửa đổi quy định đi làm trước khi hết thời hạn hưởng chế độ thai sản đối với trường hợp sau khi sinh con mà con chết, theo hướng không cần điều kiện đã nghỉ hưởng chế độ ít nhất được 04 tháng như đối với các trường hợp sinh con bình thường;

– Quy định chi tiết về trợ cấp một lần khi sinh con đối với trường hợp chỉ có cha tham gia BHXH, và bổ sung trường hợp vợ có tham gia nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản, thì lao động nam đủ điều kiện cũng được giải quyết hưởng trợ cấp 1 lần khi vợ sinh con;

– Bổ sung chế độ thai sản khi người lao động tự nguyện có yêu cầu phá thai (không phải phá thai bệnh lý);

– Bổ sung quy định đối với trường hợp đang hưởng chế độ thai sản khi nhận nuôi con nuôi, đồng thời đề nghị hưởng chế độ thai sản khi sinh con;

– Bổ sung quy định cụ thể chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ sau thai sản, tính theo năm hay theo đợt nghỉ.

+ Chế độ ốm đau

– Bổ sung quy định chi tiết thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau đối với người lao động nghỉ việc do mắc bệnh thuộc Danh mục bệnh cần chữa trị dài ngày

– Sửa đổi quy định mức hưởng chế độ ốm đau của trường hợp có ngày lẻ không trọn tháng, thì mức hưởng một ngày được tính bằng mức hưởng theo tháng chia cho 30 ngày;

+ Chế độ tử tuất

– Bổ sung quy định tuổi của thân nhân hưởng trợ cấp tuất hàng tháng phù hợp với quy định tuổi nghỉ hưu của Bộ luật lao động;

– Bổ sung quy định tính tháng lẻ giai đoạn trước 2014 để tính hưởng trợ cấp tuất một lần theo hướng nếu thời gian đóng trước ngày 01/01/2014 có tháng lẻ thì những tháng lẻ đó được chuyển sang giai đoạn đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 01/01/2014 trở đi.

Theo kế hoạch, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa XV vào tháng 10 năm 2022; Trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ ba của Quốc hội khóa XV vào tháng 5 năm 2023 và nếu được thông qua, Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 01/01/2024.

Tải: Nghị quyết 28

85 Responses

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *