Hướng dẫn kê khai thuế chi nhánh hạch toán phụ thuộc và độc lập

I, Kê khai thuế cho Chi nhánh hạch toán độc lập:

– Dù là Chi nhánh hạch toán độc lập cùng Tỉnh, thành phố hoặc Khác Tỉnh, thành phố với Trụ sở chính thì cũng cũng kê khai như sau nhé:

-> Chi nhánh sẽ trực tiếp kê khai lệ phí môn bài, kê khai thuế GTGT, TNCN, TNDN, Báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn, Báo cáo tài chính … -> Tại cơ quan thuế quản lý Chi nhánh. (Nói chung là kê khai tất cả tại Chi nhánh dạng như 1 DN bình thường).

– Công ty xuất hàng, dịch vụ cho Chi nhánh hoặc ngược lại -> Thì cũng phải xuất hóa đơn như bán hàng bình thường nhé.

– Cuối năm Công ty (trụ sở chính) phải lập Báo cáo tài chính hợp nhất.

>> Xem thêm: Dịch vụ hiệu quả và tiết kiệm cho Doanh nghiệp

Một số Công văn hướng dẫn cụ thể:
Căn cứ theo quy định tại Luật quản lý thuế số 38/2019/QH14:
“Điều 42. Nguyên tắc khai thuế, tính thuế

3. Người nộp thuế thực hiện khai thuế, tính thuế tại cơ quan thuế địa phương có thẩm quyền nơi có trụ sở. Trường hợp người nộp thuế hạch toán tập trung tại trụ sở chính, có đơn vị phụ thuộc tại đơn vị hành chính cấp tỉnh khác nơi có trụ sở chính thì người nộp thuế khai thuế tại trụ sở chính và tính thuế, phân bổ nghĩa vụ thuế phải nộp theo từng địa phương nơi được hưởng nguồn thu ngân sách nhà nước.

Điều 45. Địa điểm nộp hồ sơ khai thuế
1. Người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp.”
Công văn số 50506/CTHN-TTHT ngày 29/11/2021 của Cục Thuế TP. Hà Nội

“Trường hợp Công ty có chi nhánh hạch toán độc lập hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn cùng tỉnh, thành phố với trụ sở chính thì chi nhánh thực hiện khai thuế và nộp hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp chi nhánh theo quy định tại Khoản 1 Điều 45 Luật Quản lý thuế số 38/2014/QH14.”

Công văn số 991/CTHN-TTHT ngày 8/1/2021 của Cục Thuế TP. Hà Nội
Căn cứ các quy định, hướng dẫn nêu trên, Cục Thuế TP Hà Nội có ý kiến như sau:

1. Về việc Công ty lập hóa đơn cho Chi nhánh khi cung cấp dịch vụ:
– Trường hợp Công ty cung ứng dịch vụ cho Chi nhánh tại tỉnh Bắc Ninh (Mã số thuế: 0102355611-001; là đơn vị phụ thuộc hạch toán độc lập với Công ty) thì Công ty thực hiện lập hóa đơn để giao cho Chi nhánh theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 16 Thông tư số 39/2014/TT-BTC.

Công văn số 463/TCT-CS ngày 12/2/2019 của Tổng cục Thuế:
Căn cứ các hướng dẫn trên, trường hợp Công ty TNHH Colgate Palmolive Việt Nam ký hợp đồng chia sẻ chi phí với Công ty TNHH Colgate Palmolive Việt Nam -Chi nhánh Mỹ Phước (Chi nhánh hạch toán độc lập), theo đó Công ty cung cấp cho Chi nhánh các hoạt động liên quan đến hướng dẫn, tư vấn quản lý doanh nghiệp, kinh doanh, liên quan đến vấn đề hành chính, nhân sự, kế toán, tài chính, liên quan đến hoạt động thu mua và liên quan đến vấn đề pháp lý thì Tổng cục Thuế nhất trí với đề xuất xử lý của Cục Thuế thành phố Hồ Chí Minh tại công văn số 8825/CT-TT nêu trên: các dịch vụ mà Công ty TNHH Colgate Palmolive Việt Nam cung cấp cho Công ty TNHH Colgate Palmolive Việt Nam -Chi nhánh Mỹ Phước nêu trên không thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT và Công ty phải lập hóa đơn GTGT với thuế suất thuế GTGT 10% khi cung cấp dịch vụ cho Chi nhánh Mỹ Phước theo quy định.
Công văn số 95835/CT-TTHT ngày 2/11/2020 của Cục Thuế TP. Hà Nội:
Căn cứ quy định trên, Cục Thuế TP Hà Nội hướng dẫn như sau:

– Về nguyên tắc, trường hợp Công ty có Chi nhánh trực thuộc hạch toán độc lập thì Chi nhánh trực thuộc nộp hồ sơ khai thuế TNDN phát sinh tại Chi nhánh trực thuộc cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp Chi nhánh trực thuộc.

– Trường hợp Công ty có đơn vị trực thuộc nhưng hạch toán phụ thuộc thì Chi nhánh trực thuộc của Công ty không phải nộp hồ sơ khai thuế TNDN; khi nộp hồ sơ khai thuế TNDN, Công ty có trách nhiệm khai tập trung tại trụ sở chính cả phần phát sinh tại Chi nhánh trực thuộc.

– Trường hợp Chi nhánh của Công ty chuyển đổi hình thức hạch toán độc lập sang phụ thuộc để Công ty khai thuế TNDN tập trung tại trụ sở chính thì Chi nhánh độc lập của Công ty có quyết định chuyển thành Chi nhánh trực thuộc của Công ty phải thực hiện đăng ký thuế lại để được cơ quan thuế cấp mã số thuế mới theo quy định. Khi có Quyết định chuyển đổi, Chi nhánh Công ty trước chuyển đổi phải làm thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế với cơ quan thuế theo quy định.

Công văn số 26980/CT-TTHT ngày 26/4/2019 của Cục Thuế TP. Hà Nội:

Căn cứ các quy định trên, trường hợp Công ty có đơn vị trực thuộc hạch toán độc lập thì đơn vị trực thuộc nộp hồ sơ khai thuế TNDN phát sinh (bao gồm Báo cáo tài chính) tại đơn vị trực thuộc cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp đơn vị trực thuộc.

– Trường hợp Công ty có đơn vị trực thuộc nhưng hạch toán phụ thuộc thì đơn vị trực thuộc đó không phải nộp hồ sơ khai thuế TNDN (bao gồm Báo cáo tài chính); khi nộp hồ sơ khai thuế TNDN, người nộp thuế có trách nhiệm khai tập trung tại trụ sở chính cả phần phát sinh tại đơn vị trực thuộc.

Công văn số 1293/CT-TTHT ngày 15/2/2017 của Cục Thuế TP. HCM:

– Trường hợp Chi nhánh là đơn vị trực thuộc hạch toán phụ thuộc Công ty CP TM DV Hiệp Tân. Ngày 02/11/2016 Chi nhánh thực hiện chuyển đổi từ đơn vị hạch toán phụ thuộc sang đơn vị hạch toán độc lập theo quyết định của Công ty CP TM DV Hiệp Tân thì Chi nhánh phải kê khai nộp thuế TNDN và khai quyết toán thuế TNDN theo năm tài chính đã đăng ký từ thời điểm chuyển đổi sang đơn vị hạch toán độc lập.

>> Xem thêm: Lý do nên lựa chọn dịch vụ thành lập công ty tại Tùng Linh Quân

——————————————————————
II, Kê khai thuế cho Chi nhánh hạch toán phụ thuộc:
-> Tùy từng trường hợp như (Cùng tỉnh, thành phố – Khác tỉnh, thành phố), lĩnh vực ngành nghề sản xuất kinh doanh… -> Mà cách kê khai sẽ khác nhau, cụ thể dưới đây:
1. Cách kê khai thuế môn bài cho chi nhánh phụ thuộc:
Căn cứ theo Điều 11 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định:
“Người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp và các quy định sau đây:

1. Địa điểm nộp hồ sơ khai thuế đối với người nộp thuế có nhiều hoạt động, kinh doanh trên nhiều địa bàn cấp tỉnh là cơ quan thuế nơi có hoạt động kinh doanh khác tỉnh, thành phố nơi có trụ sở chính đối với các trường hợp sau đây:
k) Khai lệ phí môn bài tại nơi có đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh.”

Như vậy: Chi nhánh hạch hạch toán phụ thuộc:

– Địa điểm nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài cho đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh khác tỉnh, thành phố nơi có trụ sở chính là Cơ quan thuế quản lý đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh.

– Nếu chi nhánh hạch toán phụ thuộc là đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh ở cùng tỉnh, thành phố với trụ sở chính thì nộp tờ khai lệ phí môn bài và tiền tại cơ quan thuế trụ sở chính.

Chi tiết: Cách kê khai thuế môn bài cho chi nhánh

———————————————————————-

2. Cách viết hoá đơn cho chi nhánh phụ thuộc:
Theo điểm 2.6 Phụ lục 4 Thông tư 39/2014/TT-BTC quy định:
– Tổ chức kinh doanh kê khai, nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ xuất điều chuyển hàng hoá cho các cơ sở hạch toán phụ thuộc như các chi nhánh, cửa hàng ở khác địa phương (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) để bán hoặc xuất điều chuyển giữa các chi nhánh, đơn vị phụ thuộc với nhau, căn cứ vào phương thức tổ chức kinh doanh và hạch toán kế toán, cơ sở có thể lựa chọn một trong hai cách sử dụng hoá đơn, chứng từ như sau:

a) Sử dụng hoá đơn GTGT để làm căn cứ thanh toán và kê khai nộp thuế GTGT ở từng đơn vị và từng khâu độc lập với nhau;

b) Sử dụng Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ kèm theo Lệnh điều động nội bộ.
– Cơ sở hạch toán phụ thuộc, chi nhánh, cửa hàng khi bán hàng phải lập hóa đơn theo quy định giao cho người mua, đồng thời lập Bảng kê hàng hóa bán ra gửi về cơ sở có hàng hóa điều chuyển để cơ sở giao hàng lập hóa đơn GTGT cho hàng hóa thực tế tiêu thụ giao cho cơ sở hạch toán phụ thuộc, chi nhánh, cửa hàng.

Trường hợp cơ sở có số lượng và doanh số hàng hoá bán ra lớn, Bảng kê có thể lập cho 05 ngày hay 10 ngày một lần. Trường hợp hàng hoá bán ra có thuế suất thuế GTGT khác nhau phải lập bảng kê riêng cho hàng hoá bán ra theo từng nhóm thuế suất.

– Cơ sở hạch toán phụ thuộc, chi nhánh, cửa hàng thực hiện kê khai nộp thuế GTGT đối với số hàng xuất bán cho người mua và được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo hóa đơn GTGT của cơ sở giao hàng xuất cho.

– Trường hợp các đơn vị trực thuộc của cơ sở kinh doanh nông, lâm, thủy sản đã đăng ký, thực hiện kê khai nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, có thu mua hàng hóa là nông, lâm, thủy sản để điều chuyển, xuất bán về trụ sở chính của cơ sở kinh doanh thì khi điều chuyển, xuất bán, đơn vị trực thuộc sử dụng Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ, không sử dụng hóa đơn GTGT.”
Như vậy:

– Khi xuất hàng cho Chi nhánh phụ thuộc thì DN có thể xuất hóa đơn ở từng khâu hoặc xuất Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ (Nhưng vẫn phải lập hóa đơn GTGT)

Chú ý: – Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ cũng là 1 loại hóa đơn nên DN phải quản lý, sử dụng, báo cáo như hóa đơn nhé.

(Có 3 cách: 1 là lên Chi cục thuế để mua, 2 là đặt in rồi thông báo phát hành như hóa đơn, 3 là phát hành phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ điện tử)

Từ ngày 1/7/2022 quy định về hóa đơn cho chi nhánh như sau:
Căn cứ theo Điều 13 Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định hóa đơn đối với chi nhánh hạch toán phụ thuộc như sau:
– Tổ chức kinh doanh kê khai, nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ xuất điều chuyển hàng hóa cho các cơ sở hạch toán phụ thuộc như các chi nhánh, cửa hàng ở khác địa phương (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) để bán hoặc xuất điều chuyển giữa các chi nhánh, đơn vị phụ thuộc với nhau, căn cứ vào phương thức tổ chức kinh doanh và hạch toán kế toán, cơ sở có thể lựa chọn một trong hai cách sử dụng hóa đơn, chứng từ như sau:

+) Sử dụng hóa đơn GTGT để làm căn cứ thanh toán và kê khai nộp thuế GTGT ở từng đơn vị và từng khâu độc lập với nhau;

+) Sử dụng Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ;

Cơ sở hạch toán phụ thuộc, chi nhánh, cửa hàng khi bán hàng phải lập hóa đơn theo quy định giao cho người mua, đồng thời lập Bảng kê hàng hóa bán ra gửi về cơ sở có hàng hóa điều chuyển (gọi chung là cơ sở giao hàng) để cơ sở giao hàng lập hóa đơn GTGT cho hàng hóa thực tế tiêu thụ giao cho cơ sở hạch toán phụ thuộc, chi nhánh, cửa hàng.

Trường hợp cơ sở có số lượng và doanh số hàng hóa bán ra lớn, Bảng kê có thể lập cho 05 ngày hay 10 ngày một lần. Trường hợp hàng hóa bán ra có thuế suất thuế GTGT khác nhau phải lập bảng kê riêng cho hàng hóa bán ra theo từng nhóm thuế suất.

– Cơ sở hạch toán phụ thuộc, chi nhánh, cửa hàng thực hiện kê khai nộp thuế GTGT đối với số hàng xuất bán cho người mua và được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo hóa đơn GTGT của cơ sở giao hàng xuất cho.

– Trường hợp các đơn vị phụ thuộc của cơ sở kinh doanh nông, lâm, thủy sản đã đăng ký, thực hiện kê khai nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, có thu mua hàng hóa là nông, lâm, thủy sản để điều chuyển, xuất bán về trụ sở chính của cơ sở kinh doanh thì khi điều chuyển, xuất bán, đơn vị phụ thuộc sử dụng Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ, không sử dụng hóa đơn điện tử GTGT.
Quy định về sử dụng hóa đơn tại chi nhánh:
Căn cứ Khoản 3 Điều 1 Thông tư số 37/2017/TT-BTC ngày 27/4/2017 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Khoản 4 Điều 9 Thông tư số 39/2014/TT-BTC:

“Trường hợp tổ chức có các đơn vị trực thuộc, chi nhánh có sử dụng chung mẫu hóa đơn của tổ chức nhưng khai thuế GTGT riêng thì từng đơn vị trực thuộc, chi nhánh phải gửi Thông báo phát hành cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

– Trường hợp tổ chức có các đơn vị trực thuộc, chi nhánh có sử dụng chung mẫu hóa đơn của tổ chức nhưng tổ chức thực hiện khai thuế GTGT cho đơn vị trực thuộc, chi nhánh thì đơn vị trực thuộc, chi nhánh không phải Thông báo phát hành hóa đơn”.

Như vậy:

– Nếu chi nhánh phụ thuộc sử dụng chung mẫu hóa đơn của trụ sở chính, nhưng kê khai thuế GTGT riêng -> Thì chi nhánh phải nộp Thông báo phát hành hóa đơn cho cơ quan thuế quản lý chi nhánh.

– Trường hợp chi nhánh phụ thuộc sử dụng chung mẫu hóa đơn của trụ sở chính nhưng kê khai thuế GTGT tập trung tại trụ sở chính -> Thì chi nhánh không phải nộp Thông báo phát hành hóa đơn, không phải báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn.

>> Xem thêm: ĐẠI LÝ THUẾ VÀ DỊCH VỤ KẾ TOÁN TẠI ĐÀ NẴNG

—————————————————————————————-
Trước ngày 1/1/2022 thì thực hiện theo quy định dưới đây:
3. Cách kê khai thuế GTGT cho chi nhánh phụ thuộc:

+) Đối với Doanh nghiệp Thương mại, dịch vụ …

– Nếu chi nhánh phụ thuộc ở cùng tỉnh (Thanh phố) với trụ sở chính thì kê khai và nộp thuế GTGT tại Trụ sở chính.
(Nếu chi nhánh có con dấu, tài khoản tiền gửi ngân hàng, trực tiếp bán hàng hóa, dịch vụ, kê khai đầy đủ thuế GTGT đầu vào, đầu ra có nhu cầu kê khai nộp thuế riêng phải đăng ký nộp thuế riêng và sử dụng hóa đơn riêng.

Đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn, massage, karaoke thì Cục trưởng Cục Thuế địa phương quyết định về nơi kê khai thuế)

Nghĩa là: Nếu Chi nhánh muốn sử dụng hóa đơn riêng, kê khai thuế riêng thì phải đăng ký tại Chi cục thuế quản lý Chi nhánh và Chi nhánh phải có con dấu, tài khoản ngân hàng riêng.
————————————————————————————–
– Nếu chi nhánh ở Khác tỉnh (Thành phố) với trụ sở chính thì kê khai và nộp thuế GTGT tại cơ quan thuế chi nhánh.
(Nếu chi nhánh phụ thuộc không trực tiếp bán hàng, không phát sinh doanh thu thì thực hiện khai thuế tập trung tại trụ sở chính. Chú ý: Trường hợp này DN phải thông báo với cơ quan thuế nhé)

Trường hợp DN có dự án kinh doanh bất động sản ở địa phương khác tỉnh với trụ sở chính, có thành lập đơn vị trực thuộc (chi nhánh, Ban quản lý dự án…) thì phải thực hiện đăng ký thuế và nộp thuế theo phương pháp khấu trừ đối với hoạt động kinh doanh bất động sản với cơ quan thuế địa phương nơi phát sinh hoạt động kinh doanh bất động sản.

Ví dụ: Công ty kinh doanh bất động sản A có trụ sở tại Hà Nội, Công ty là chủ đầu tư dự án phát triển nhà tại thành phố Đà Nẵng, Công ty thành lập chi nhánh tại Đà Nẵng để quản lý dự án thì chi nhánh Công ty A phải thực hiện đăng ký thuế, khai nộp thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ đối với hoạt động kinh doanh bất động sản này tại Đà Nẵng.
Theo Công văn 26994/CT-TTHT ngày 26/4/2019 của Cục thuế TP Hà Nội:
“Căn cứ các quy định trên, trường hợp Công ty TNHH Tiger Logistics & Trading (sau đây gọi là Công ty) có thành lập chi nhánh trong TP Hồ Chí Minh, chi nhánh không trực tiếp bán hàng, không phát sinh doanh thu và hạch toán phụ thuộc, thực hiện kê khai tập trung tại trụ sở chính ở Hà Nội thì Cục Thuế TP Hà Nội hướng dẫn nguyên tắc như sau:

1. Tiêu thức “tên, địa chỉ, MST của người mua” trên hóa đơn được viết theo đúng theo thông tin của bên mua hàng trong hợp đồng mua bán hàng hóa hoặc trong thỏa thuận giao dịch mua bán hàng hóa (trường hợp mua hàng không có hợp đồng). Đề nghị Công ty căn cứ vào hướng dẫn trên để xác định hóa đơn đã lập có phù hợp hay không.

2. Trường hợp Chi nhánh là đơn vị hạch toán phụ thuộc, không trực tiếp bán hàng, không phát sinh doanh thu, thực hiện kê khai tập trung tại trụ sở chính Hà Nội thì các chi phí quản lý phục vụ trực tiếp cho các hoạt động của Chi nhánh có hóa đơn GTGT đầu vào mang tên, địa chỉ, mã số thuế của Chi nhánh thì được kê khai khấu trừ thuế GTGT ở trụ sở chính nếu đáp ứng điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào theo quy định.”

Theo Công văn 81383/CT-TTHT ngày 20/12/2017 của Cục thuế TP Hà Nội
“Căn cứ các quy định trên, trường hợp Công ty/Chi nhánh Công ty mở các kho hàng tại địa bàn khác với địa bàn Công ty/chi nhánh:

– Trường hợp kho hàng chỉ làm nhiệm vụ chứa hàng, địa điểm trung chuyển để vận chuyển hàng hóa từ Công ty/Chi nhánh đến cho khách hàng không bán hàng, không phát sinh doanh thu thì Công ty/Chi nhánh thực hiện khai thuế GTGT tập trung tại trụ sở chính/chi nhánh.

– Công ty/Chi nhánh là người bán hàng phải lập hóa đơn khi bán hàng hóa. Việc lập hóa đơn điều chuyển đối với các cơ sở phụ thuộc thực hiện theo hướng dẫn khoản 2.6 Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư số 39/2014/TT-BTC.

– Đối với trường hợp doanh nghiệp đăng ký kho hàng không phải là địa điểm kinh doanh, đề nghị Độc giả liên hệ với Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội để được hướng dẫn giải quyết. ”

>> Xem thêm:Đại lý thuế làm dịch vụ kế toán giúp giảm chi phí cho doanh nghiệp 

————————————————————————————–
+) Đối với những DN sản xuất:
Trường hợp người nộp thuế kê khai, nộp thuế theo phương pháp khấu trừ có cơ sở sản xuất trực thuộc (bao gồm cả cơ sở gia công, lắp ráp) không trực tiếp bán hàng, không phát sinh doanh thu đóng trên địa bàn cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác với tỉnh, thành phố nơi đóng trụ sở chính thì:

– Nếu cơ sở sản xuất có hạch toán kế toán thì phải đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ tại địa phương đó.

-> Khi điều chuyển bán thành phẩm hoặc thành phẩm, kể cả xuất cho trụ sở chính phải lập hóa đơn GTGT làm căn cứ để kê khai, nộp thuế tại đó.

Xem thêm:
Theo Công văn số 07/CT-TTHT ngày 4/1/2016 của Cục Thuế TP. HCM quy định cụ thể như sau:

“Trường hợp Công ty theo trình bày có thuê đất tại Cụm công nghiệp thị trấn Uyên Hưng, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương để xây dựng nhà máy chế biến nông sản và đăng ký thành lập Chi nhánh Bình Dương, được Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương cấp Giấy chứng nhận hoạt động Chi nhánh.

– Chi nhánh (trực thuộc) đã đi vào hoạt động tuy không trực tiếp bán hàng, không phát sinh doanh thu nhưng có hạch toán kế toán, Chi nhánh đã đăng ký nộp thuế theo phương pháp khấu trừ tại Bình Dương thì khi điều chuyển bán thành phẩm hoặc thành phẩm, kể cả xuất cho trụ sở chính Chi nhánh phải sử dụng hóa đơn GTGT làm căn cứ kê khai, nộp thuế tại địa phương nơi sản xuất (tỉnh Bình Dương).”

– Nếu cơ sở sản xuất không thực hiện hạch toán kế toán thì kê khai thuế tại trụ sở chính và nộp thuế cho các địa phương nơi có cơ sở sản xuất:
Số thuế GTGT phải nộp cho địa phương cơ sở sản xuất được xác định theo tỷ lệ:
– 2% (đối với hàng hóa chịu thuế suất thuế GTGT 10%)
– 1% (đối với hàng hóa chịu thuế suất thuế GTGT 5%) trên doanh thu theo giá chưa có thuế GTGT của sản phẩm sản xuất ra.
Việc xác định doanh thu của sản phẩm sản xuất ra được xác định trên cơ sở giá thành sản phẩm hoặc doanh thu của sản phẩm cùng loại tại địa phương nơi có cơ sở sản xuất.
– Nếu TỔNG số thuế GTGT phải nộp cho địa phương (nơi cơ sở sản xuất) xác định theo nguyên tắc trên mà lớn hơn số thuế GTGT phải nộp tại trụ sở chính thì DN tự phân bổ số thuế phải nộp cho các địa phương như sau:

Số thuế GTGT phải nộp cho địa phương = Số thuế GTGT phải nộp tại trụ sở chính X Tỷ lệ (%) giữa doanh thu theo giá chưa có thuế GTGT của sản phẩm do cơ sở sản xuất ra hoặc sản phẩm cùng loại tại địa phương trên tổng doanh thu theo giá chưa có thuế GTGT của sản phẩm sản xuất ra của toàn doanh nghiệp.

Chú ý: Nếu DN không phát sinh số thuế phải nộp tại trụ sở chính thì không phải nộp thuế cho các địa phương nơi có cơ sở sản xuất.

– DN phải lập và gửi “Bảng phân bổ thuế GTGT cho địa phương nơi đóng trụ sở chính và cho các địa phương nơi có cơ sở sản xuất trực thuộc không thực hiện hạch toán kế toán” theo mẫu số 01-6/GTGT kèm theo Thông tư 156 cùng với hồ sơ khai thuế tới cơ quan thuế quản lý trực tiếp, đồng thời gửi một bản Bảng phân bổ mẫu số 01-6/GTGT tới các cơ quan thuế cơ sở sản xuất trực thuộc.

-> Mẫu phụ lục 01-6/GTGT các bạn có thể làm trên phần mềm HTKK rồi nộp qua mạng nhé.
Căn cứ số thuế GTGT được phân bổ giữa trụ sở chính và các địa phương cơ sở sản xuất trên Bảng phân bổ theo mẫu số 01-6/GTGT nêu trên, DN lập chứng từ nộp thuế GTGT tại trụ sở chính và từng địa phương cơ sở sản xuất. Trên chứng từ nộp thuế phải ghi rõ nộp vào tài khoản thu ngân sách nhà nước tại Kho bạc nhà nước đồng cấp với cơ quan thuế nơi trụ sở chính và địa phương cơ sở sản xuất.

Ví dụ 1: Công ty A trụ sở tại Hà Nội có 2 đơn vị sản xuất trực thuộc không thực hiện hạch toán kế toán đóng tại Hải Phòng và Hưng Yên. Sản phẩm sản xuất ra thuộc đối tượng áp dụng thuế suất thuế GTGT là 10% và do trụ sở chính xuất bán.

– Trong kỳ khai thuế tháng 8/2017: doanh thu theo giá chưa có thuế giá trị gia tăng của sản phẩm sản xuất ra tại nhà máy ở Hải Phòng là 500 triệu; doanh thu theo giá chưa có thuế giá trị gia tăng của sản phẩm sản xuất ra tại nhà máy ở Hưng Yên là 600 triệu. Số thuế giá trị gia tăng phải nộp tại trụ sở chính của công ty A (theo tờ khai 01/GTGT) trong kỳ là: 25 triệu đồng.

Số thuế GTGT mà Công ty A phải nộp cho Hải Phòng là: 500 triệu x 2% = 10 triệu đồng.

Số thuế GTGT mà Công ty A phải nộp cho Hưng Yên là: 600 triệu x 2% = 12 triệu đồng.

Số thuế GTGT mà Công ty A phải nộp cho Hà Nội là: 25 triệu – 10 triệu – 12 triệu = 3 triệu đồng.

Ví dụ 2: Công ty A trụ sở tại Hà Nội có 3 nhà máy sản xuất trực thuộc không thực hiện hạch toán kế toán đóng tại Hà Nội, Hải Phòng và Hưng Yên. Sản phẩm sản xuất ra do trụ sở chính xuất bán.

Trong kỳ khai thuế tháng 9/2017: doanh thu theo giá chưa có thuế giá trị gia tăng của sản phẩm sản xuất ra tại nhà máy ở Hải Phòng là 500 triệu; doanh thu theo giá chưa có thuế giá trị gia tăng của sản phẩm sản xuất ra tại nhà máy ở Hưng Yên là 600 triệu; doanh thu theo giá chưa có thuế giá trị gia tăng của sản phẩm sản xuất ra tại nhà máy ở Hà Nội là 200 triệu.

– Số thuế GTGT phải nộp tại trụ sở chính của Công ty A (theo tờ khai 01/GTGT) trong kỳ là: 20 triệu đồng.

– Theo nguyên tắc tạm nộp tại các địa phương theo tỷ lệ 2% doanh thu đối với hàng hóa chịu thuế 10%, Công ty A xác định số thuế GTGT phải nộp cho Hải Phòng và Hưng Yên là: 500 triệu x 2% + 600 triệu x 2% = 22 triệu. Như vậy khi xác định theo nguyên tắc này thì số thuế phải nộp cho các địa phương sẽ lớn hơn số thuế GTGT phải nộp của Công ty A tại trụ sở chính. Vì vậy, Công ty A tự phân bổ số thuế GTGT phải nộp cho các địa phương như sau:

Số thuế GTGT mà Công ty A phải nộp cho Hải Phòng là: 20 triệu x 500 triệu / (500 triệu + 600 triệu +200 triệu) = 7.69 triệu đồng.
Số thuế GTGT mà Công ty A phải nộp cho Hưng Yên là: 20 triệu x 600 triệu / (500 triệu + 600 triệu + 200 triệu) = 9.23 triệu đồng.
Số thuế GTGT mà Công ty A phải nộp cho Hà Nội là: 20 triệu – 7.69 triệu – 9.23 triệu = 3.08 triệu đồng.

Ví dụ 3: Công ty A trụ sở tại Hà Nội có 2 đơn vị sản xuất trực thuộc không thực hiện hạch toán kế toán đóng tại Hải Phòng và Hưng Yên. Sản phẩm sản xuất ra do trụ sở chính xuất bán.

Trong kỳ khai thuế tháng 10/2017: doanh thu theo giá chưa có thuế giá trị gia tăng của sản phẩm sản xuất ra tại nhà máy ở Hải Phòng là 400 triệu; doanh thu theo giá chưa có thuế giá trị gia tăng của sản phẩm sản xuất ra tại nhà máy ở Hưng Yên là 500 triệu. Tháng 10/2017, Công ty A không phát sinh số thuế phải nộp tại trụ sở chính. Công ty A cũng không phải nộp thuế giá trị gia tăng cho Hải Phòng và Hưng Yên.

Cách kê khai thuế GTGT cho trung tâm bảo hành:

Căn cứ các hướng dẫn nêu trên, trường hợp Công ty Cổ phần Daikin Air Conditioning Viet Nam (Công ty) thành lập các Chi nhánh hạch toán phụ thuộc tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên toàn quốc thì:

– Đối với các Chi nhánh thành lập với chức năng chính là trạm bảo hành, thực hiện dịch vụ bảo hành, sửa chữa thay thế linh kiện máy điều hòa (doanh thu phát sinh không đáng kể). Các Chi nhánh không có bộ phận kế toán, việc ký kết hợp đồng và xuất hóa đơn GTGT được thực hiện tại Công ty thì Công ty thực hiện kê khai thuế GTGT tại trụ sở chính và phân bổ số thuế phải nộp cho các địa phương nơi đặt chi nhánh theo tỷ lệ 2% đối với hàng hóa chịu thuế suất thuế GTGT 10% hoặc 1% đối với hàng hóa chịu thuế suất thuế GTGT 5% trên doanh thu theo giá chưa có thuế GTGT.

– Đối với các Chi nhánh thành lập với chức năng chính là thực hiện việc kinh doanh bán các loại thiết bị và sản phẩm hàng cơ điện lạnh thì thực hiện khai thuế theo hướng dẫn tại điểm a khoản 6 Điều 11 Thông tư số 156/2013/TT-BTC.
(Theo Công văn 257/TCT-KK ngày 16/01/2018 của Tổng cục thuế:)

>> Xem thêm: Dịch vụ Đại lý Thuế Đà Nẵng

——————————————————————————————–
4. Cách kê khai thuế TNCN cho chi nhánh phụ thuộc:
– Việc kê khai thuế TNCN các bạn cũng kê khai như thuế GTGT bên trên nhé, nhưng chú ý 1 số vấn đề sau:

a. Trường hợp cá nhân ký hợp đồng lao động trực tiếp với Chi nhánh, đăng ký giảm trừ gia cảnh tại Chi nhánh, và có thỏa thuận nhờ Công ty trả hộ tiền lương thì Chi nhánh có trách nhiệm kê khai thuế TNCN cho cá nhân đó.

b. Trường hợp Công ty ký hợp đồng lao động với người lao động và cử người lao động đến Chi nhánh làm việc, các cá nhân đăng ký giảm trừ tại Công ty, Công ty thực hiện chi trả lương thì kê khai thuế TNCN tại Công ty.
(Theo Công văn 18200/CT-TTHT ngày 13/4/2017 của Cục thuế TP Hà Nội)

—————————————————————————————————-
5. Cách kế khai thuế TNDN cho chi nhánh hạch toán phụ thuộc:
Theo điều 12 Thông tư 156/2013/TT-BTC quy định:
Chi nhánh hạch toán phụ thuộc:

– Kê khai và nộp tiền thuế TNDN tập trung tại trụ sở chính
(Chi nhánh không phải kê khai thuế TNDN chỉ kê khai thuế Môn bài, GTGT, TNCN tại cơ quan thuế chi nhánh đó).

– Cuối năm Chi nhánh không phải làm BCTC mà lập Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh để gửi về Công tỵ mẹ (Trụ sở chính) để Cty mẹ làm BCTC.

Đối với DN sản xuất:

– Những cơ sở sản xuất (bao gồm cả cơ sở gia công, lắp ráp) hạch toán phụ thuộc khác tỉnh với trụ sở chính: Thì nộp hồ sơ khai thuế TNDN tập trung tại trụ sở chính.

– Cuối năm Chi nhánh không phải làm BCTC mà lập Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh để gửi về Công tỵ mẹ (Trụ sở chính) để Cty mẹ làm BCTC.

—————————————————————————————————-
Hướng dẫn kê khai thuế chi nhánh phụ thuộc:
Trường hợp Công ty TNHH TMDV tin học An Phát có trụ sở chính tại TP Hà Nội và Chi nhánh hạch toán phụ thuộc tại TP Hồ Chí Minh thì thực hiện khai thuế như sau:

+ Về thuế GTGT: Chi nhánh thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT tại cơ quan thuế trực tiếp quản lý chi nhánh theo quy định.

+ Về thuế TNDN: Chi nhánh Công ty không phải nộp hồ sơ khai thuế TNDN. Công ty có trách nhiệm khai tập trung tại trụ sở chính cả phần phát sinh tại Chi nhánh.

+ Về thuế TNCN: Trường hợp Chi nhánh có phát sinh chi trả thu nhập từ tiền lương, tiền công cho các cá nhân làm việc tại Chi nhánh hoặc các cá nhân khác thì Chi nhánh có trách nhiệm khấu trừ, kê khai thuế TNCN theo quy định tại tiết a.3, tiết c khoản 1 Điều 16 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 06/11/2013 của Bộ Tài chính.

+ Về thuế môn bài: Chi nhánh thực hiện nộp Hồ sơ khai lệ phí môn bài cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý Chi nhánh theo quy định tại Khoản 1, Điều 5, Thông tư số 302/2016/TT-BTC.

(Theo Công văn 23473/CT-TTHT ngày 22/04/2019 của Cục thuế TP Hà Nội)
——————————————————————————————–
Từ ngày 1/1/2022 thì thực hiện theo quy định dưới đây:
a, Nếu là chi nhánh hạch toán phụ thuộc cùng Tỉnh, thành phố:
Căn cứ theo Khoản 9, Điều 11 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định:

“9. Căn cứ tình hình thực tế trên địa bàn quản lý, trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp tỉnh quyết định phân cấp nguồn thu cho nơi có đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh trên cùng địa bàn cấp tỉnh với nơi người nộp thuế có trụ sở chính thì người nộp thuế thực hiện tính thuế, phân bổ thuế phải nộp cho địa bàn cấp huyện nơi phát sinh nguồn thu.”

Như vậy:

– Đơn vị phụ thuộc (bao gồm chi nhánh, văn phòng đại diện), địa điểm kinh doanh cùng địa bàn cấp tỉnh với trụ sở chính sẽ kê khai thuế tại Cơ quan thuế quản lý chi nhánh.
– Trường hợp Tỉnh, thành phố đó quyết định phân cấp nguồn thu -> Thì DN tính thuế, phân bổ thuế phải nộp cho địa bàn cấp huyện nơi phát sinh nguồn thu.

b, Nếu là chi nhánh hạch toán phụ thuộc Khác Tỉnh, thành phố:
Căn cứ theo Khoản 1, Điều 11 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định:
1. Địa điểm nộp hồ sơ khai thuế đối với DN có nhiều hoạt động, kinh doanh trên nhiều địa bàn cấp tỉnh là cơ quan thuế nơi có hoạt động kinh doanh khác tỉnh, thành phố nơi có trụ sở chính đối với các trường hợp sau đây:

a) Khai thuế GTGT của dự án đầu tư đối với trường hợp quy định tại điểm d khoản 2 Điều 7 Nghị định này tại nơi có dự án đầu tư.

b) Khai thuế GTGT đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản của dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà để chuyển nhượng (bao gồm cả trường hợp có thu tiền ứng trước của khách hàng theo tiến độ) tại nơi có hoạt động chuyển nhượng bất động sản.

c) Khai thuế GTGT tại nơi có nhà máy sản xuất điện.

d) Khai thuế tiêu thụ đặc biệt tại nơi sản xuất, gia công hàng hoá chịu thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc nơi cung ứng dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ hoạt động kinh doanh xổ số điện toán).

Trường hợp người nộp thuế trực tiếp nhập khẩu hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt sau đó bán trong nước thì người nộp thuế phải khai thuế tiêu thụ đặc biệt với cơ quan thuế quản lý trực tiếp nơi người nộp thuế có trụ sở chính.

đ) Khai thuế bảo vệ môi trường tại nơi sản xuất hàng hoá chịu thuế bảo vệ môi trường, trừ thuế bảo vệ môi trường của hoạt động kinh doanh xăng dầu theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều này.

e) Khai thuế bảo vệ môi trường tại nơi có cơ sở sản xuất, kinh doanh than (gồm cả trường hợp tiêu dùng nội bộ), trừ thuế bảo vệ môi trường quy định tại điểm b khoản 4 Điều này.

g) Khai thuế tài nguyên (trừ thuế tài nguyên đối với hoạt động sản xuất thủy điện trong trường hợp lòng hồ thủy điện của nhà máy thủy điện nằm chung trên các địa bàn cấp tỉnh; hoạt động khai thác, xuất bán dầu thô; hoạt động khai thác, xuất bán khí thiên nhiên và thuế tài nguyên của tổ chức được giao bán tài nguyên bị bắt giữ, tịch thu; khai thác tài nguyên không thường xuyên đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép hoặc không thuộc trường hợp phải cấp phép theo quy định của pháp luật).

h) Khai thuế TNDN tại nơi có đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh có thu nhập được hưởng ưu đãi thuế TNDN.

i) Khai phí bảo vệ môi trường tại nơi khai thác khoáng sản (trừ dầu thô, khí thiên nhiên và khí than; tổ chức thu mua gom khoáng sản từ người khai thác nhỏ lẻ).

Như vậy: Những trường hợp nêu trên (chi nhánh phụ thuộc, địa điểm kinh doanh…) khác tỉnh, thành phố với trụ sở chính -> Sẽ kê khai tại nơi có hoạt động kinh doanh.
—————————————————————————————–
Tại Khoản 2, Điều 11 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định:
2. Địa điểm nộp hồ sơ khai thuế đối với DN có hoạt động, kinh doanh trên nhiều địa bàn cấp tỉnh khác nơi có trụ sở chính thực hiện hạch toán tập trung tại trụ sở chính tại cơ quan thuế quản lý trụ sở chính.
-> Đồng thời, DN phải nộp Bảng phân bổ số thuế phải nộp (nếu có) theo từng địa bàn cấp tỉnh nơi được hưởng nguồn thu ngân sách nhà nước (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) cho cơ quan thuế quản lý trụ sở chính.
-> Trừ một số trường hợp sau đây không phải nộp Bảng phân bổ số thuế phải nộp:

a) Thuế GTGT của hoạt động kinh doanh vận tải của người nộp thuế mà các tuyến đường vận tải đi qua địa bàn các tỉnh khác nơi người nộp thuế đóng trụ sở chính.

b) Thuế GTGT của hoạt động kinh doanh bảo hiểm và tái bảo hiểm.

c) Thuế GTGT của hoạt động kinh doanh xây dựng (bao gồm cả xây dựng đường giao thông, đường dây tải điện, đường ống dẫn nước, đường ống dẫn dầu, đường ống dẫn khí) tại địa bàn cấp tỉnh khác nơi có trụ sở chính nhưng không thành lập đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh tại địa bàn cấp tỉnh đó mà giá trị công trình xây dựng bao gồm cả thuế giá trị gia tăng dưới 1 tỷ đồng.

d) Thuế TNDN của đơn vi phụ thuộc, địa điểm kinh doanh có thu nhập được hưởng ưu đãi thuế TNDN. Người nộp thuế phải xác định riêng số thuế TNDN phải nộp cho hoạt động được hưởng ưu đãi với cơ quan thuế quản lý nơi có đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh và không được tính phân bổ cho đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh khác của người nộp thuế.

đ) Thuế GTGT, thuế TNDN của đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh của người nộp thuế là doanh nghiệp siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

e) Lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ (trừ lợi nhuận sau thuế của hoạt động xổ số điện toán).

Như vậy: Những chi nhánh phụ thuộc, địa điểm kinh doanh (hạch toán tập trung tại trụ sở chính) khác tỉnh, thành phố với trụ sở chính -> Thì kê khai thuế tại cơ quan thuế quản lý trụ sở chính.
-> Đồng thời, DN phải nộp Bảng phân bổ số thuế phải nộp (nếu có) theo từng địa bàn cấp tỉnh nơi được hưởng nguồn thu ngân sách nhà nước cho cơ quan thuế quản lý trụ sở chính.
—————————————————————————————-
=> Quy định về các trường hợp phân bổ, phương pháp phân bổ, khai thuế, tính thuế, quyết toán thuế đối với loại thuế được phân bổ thực hiện như sau:
Chi tiết theo theo Điều 12 Thông tư 80/2021/TT-BTC quy định Phân bổ nghĩa vụ thuế của người nộp thuế hạch toán tập trung có đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh tại tỉnh khác nơi có trụ sở chính:

1. Người nộp thuế có hoạt động, kinh doanh trên nhiều địa bàn cấp tỉnh khác nơi người nộp thuế có trụ sở chính thực hiện hạch toán tập trung tại trụ sở chính thực hiện khai thuế, tính thuế và nộp hồ sơ khai thuế cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp và phân bổ số thuế phải nộp cho từng tỉnh nơi có hoạt động kinh doanh.

3. Người nộp thuế có trách nhiệm khai thuế và phân bổ nghĩa vụ thuế đầy đủ, chính xác, kịp thời theo đúng quy định. Việc phân bổ số thuế phải nộp cho các tỉnh nơi được hưởng nguồn thu ngân sách nhà nước phải đảm bảo không được lớn hơn số tiền thuế phải nộp trên hồ sơ khai thuế của người nộp thuế.

– Trường hợp người nộp thuế không phát sinh số thuế phải nộp thì không phải xác định số thuế phải nộp cho các tỉnh nơi được hưởng nguồn thu ngân sách nhà nước.

– Trường hợp quy định tại điểm b, c khoản 2 Điều 13 và điểm b khoản 2 Điều 17 Thông tư này không thực hiện nguyên tắc phân bổ theo khoản này.

4. Người nộp thuế căn cứ vào số thuế phải nộp theo từng tỉnh hưởng nguồn thu phân bổ để lập chứng từ nộp tiền và nộp tiền vào ngân sách nhà nước theo quy định. Kho bạc Nhà nước nơi tiếp nhận chứng từ nộp ngân sách nhà nước của người nộp thuế hạch toán khoản thu cho từng địa bàn nhận khoản thu phân bổ.
—————————————————————————————-
=> Các trường hợp phân bổ, phương pháp phân bổ, khai thuế, tính thuế, quyết toán thuế đối với loại thuế được phân bổ:
I, Cách kê khai thuế GTGT cho chi nhánh phụ thuộc:
Chi tiết theo theo Điều 13 Thông tư 80/2021/TT-BTC quy định Khai thuế, tính thuế, phân bổ và nộp thuế giá trị gia tăng:

Chú ý: Đối với đơn vị phụ thuộc trực tiếp bán hàng, sử dụng hoá đơn do đơn vị phụ thuộc đăng ký hoặc do người nộp thuế đăng ký với cơ quan thuế quản lý đơn vị phụ thuộc, theo dõi hạch toán đầy đủ thuế GTGT đầu ra, đầu vào thì đơn vị phụ thuộc khai thuế, nộp thuế GTGT cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp của đơn vị phụ thuộc.

1. Các trường hợp được phân bổ:

b) Hoạt động chuyển nhượng bất động sản, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 11 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP;
c) Hoạt động xây dựng theo quy định của pháp luật về hệ thống ngành kinh tế quốc dân và quy định của pháp luật chuyên ngành;
d) Đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh là cơ sở sản xuất (bao gồm cả cơ sở gia công, lắp ráp), trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 11 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP;

2. Phương pháp phân bổ:
b) Phân bổ thuế GTGT phải nộp đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản:

Số thuế GTGT phải nộp cho từng tỉnh của hoạt động chuyển nhượng bất động sản bằng (=) doanh thu chưa có thuế GTGT đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản tại từng tỉnh nhân (x) với 1%.

c) Phân bổ thuế GTGT phải nộp đối với hoạt động xây dựng:

Số thuế GTGT phải nộp cho từng tỉnh của hoạt động xây dựng bằng (=) doanh thu chưa có thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động xây dựng tại từng tỉnh nhân (x) với 1%.

– Doanh thu chưa có thuế GTGT được xác định theo hợp đồng đối với các công trình, hạng mục công trình xây dựng.

– Trường hợp công trình, hạng mục công trình xây dựng liên quan tới nhiều tỉnh mà không xác định được doanh thu của công trình tại từng tỉnh thì sau khi xác định tỷ lệ 1% trên doanh thu của công trình, hạng mục công trình xây dựng, DN căn cứ vào tỷ lệ (%) giá trị đầu tư của công trình tại từng tỉnh trên tổng giá trị đầu tư để xác định số thuế GTGT phải nộp cho từng tỉnh.

d) Phân bổ số thuế GTGT phải nộp cho tỉnh nơi đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh là cơ sở sản xuất:

d.1) Số thuế GTGT phải nộp cho tỉnh nơi có cơ sở sản xuất bằng (=) doanh thu theo giá chưa có thuế GTGT nhân (x) với 2% hoặc 1%

2% (đối với hàng hoá chịu thuế suất thuế GTGT 10%)

1% (đối với hàng hoá chịu thuế suất thuế GTGT 5%)

-> với điều kiện tổng số thuế GTGT phải nộp cho các tỉnh nơi có cơ sở sản xuất không được vượt quá số thuế GTGT phải nộp của người nộp thuế tại trụ sở chính.

– Trường hợp cơ sở sản xuất điều chuyển thành phẩm hoặc bán thành phẩm cho đơn vị khác trong nội bộ để bán ra thì doanh thu của sản phẩm sản xuất ra được xác định trên cơ sở giá thành sản xuất sản phẩm.

d.2) Trường hợp người nộp thuế tính để khai, nộp theo tỷ lệ % quy định tại điểm d.1 khoản này mà tổng số thuế GTGT phải nộp cho các tỉnh nơi có cơ sở sản xuất lớn hơn tổng số thuế GTGT phải nộp của người nộp thuế tại trụ sở chính thì người nộp thuế phân bổ số thuế phải nộp cho các tỉnh nơi có cơ sở sản xuất theo công thức sau:

Số thuế GTGT phải nộp cho từng tỉnh nơi có cơ sở sản xuất = số thuế GTGT phải nộp tại trụ sở chính x Tỷ lệ (%) doanh thu theo giá chưa có thuế GTGT của sản phẩm sản xuất ra tại từng tỉnh trên tổng doanh thu theo giá chưa có thuế GTGT của sản phẩm sản xuất ra của người nộp thuế.

d.3) Doanh thu dùng để xác định tỷ lệ phân bổ theo quy định tại điểm d.1 và d.2 khoản này là doanh thu thực tế phát sinh của kỳ tính thuế.

– Trường hợp khai bổ sung làm thay đổi doanh thu thực tế phát sinh thì người nộp thuế phải xác định và phân bổ lại số thuế phải nộp của từng kỳ tính thuế có sai sót đã kê khai bổ sung để xác định số thuế GTGT chênh lệch chưa phân bổ hoặc phân bổ thừa cho từng địa phương.

3. Khai thuế, nộp thuế:
b) Đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản:

b.1) Người nộp thuế thực hiện khai thuế GTGT và nộp hồ sơ khai thuế GTGT với cơ quan thuế tại tỉnh nơi có bất động sản chuyển nhượng theo mẫu số 05/GTGT ban hành kèm theo phụ lục II Thông tư 80/2021/TT-BTC;

– Nộp tiền thuế đã kê khai vào ngân sách nhà nước tại tỉnh nơi có bất động sản chuyển nhượng.

b.2) Người nộp thuế phải tổng hợp doanh thu chưa có thuế GTGT đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản vào hồ sơ khai thuế tại trụ sở chính để xác định số thuế phải nộp cho toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh tại trụ sở chính.

– Số thuế GTGT đã nộp tại tỉnh nơi có bất động sản chuyển nhượng được bù trừ với số thuế GTGT phải nộp tại trụ sở chính.

c) Đối với hoạt động xây dựng:
c.1) Người nộp thuế là nhà thầu xây dựng, ký hợp đồng trực tiếp với chủ đầu tư để thi công công trình xây dựng tại tỉnh khác với nơi có trụ sở chính của người nộp thuế, bao gồm cả công trình, hạng mục công trình xây dựng liên quan tới nhiều tỉnh thì người nộp thuế thực hiện khai thuế GTGT của các công trình, hạng mục công trình đó với cơ quan thuế nơi có công trình xây dựng theo mẫu số 05/GTGT ban hành kèm theo phụ lục II Thông tư 80/2021/TT-BTC;

– Nộp tiền thuế đã kê khai vào ngân sách nhà nước tại tỉnh nơi có công trình xây dựng.

– Trường hợp Kho bạc Nhà nước đã thực hiện khấu trừ theo quy định tại khoản 5 Điều này thì người nộp thuế không phải nộp tiền vào ngân sách nhà nước tương ứng với số tiền thuế Kho bạc Nhà nước đã khấu trừ.

c.2) Người nộp thuế phải tổng hợp doanh thu chưa có thuế GTGT đối với hoạt động xây dựng vào hồ sơ khai thuế tại trụ sở chính để xác định số thuế phải nộp cho toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh tại trụ sở chính.

– Số thuế GTGT đã nộp tại tỉnh nơi có công trình xây dựng được bù trừ với số thuế GTGT phải nộp tại trụ sở chính.

d) Đối với đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh là cơ sở sản xuất:

– Người nộp thuế thực hiện khai thuế GTGT tập trung cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh là cơ sở sản xuất và nộp hồ sơ khai thuế theo mẫu số 01/GTGT, phụ lục bảng phân bổ thuế GTGT phải nộp cho địa phương nơi được hưởng nguồn thu theo mẫu số 01-6/GTGT ban hành kèm theo phụ lục II Thông tư 80/2021/TT-BTC cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp;

– Nộp số tiền thuế phân bổ cho từng tỉnh nơi có cơ sở sản xuất.

>> Xem thêm: Nghị định mới hướng dẫn Luật Quản lý thuế

————————————————————-
Cách kê khai thuế TNCN cho chi nhánh phụ thuộc:
Chi tiết theo theo Điều 19 Thông tư 80/2021/TT-BTC quy định Khai thuế, tính thuế, phân bổ thuế TNCN:
1. Trường hợp phân bổ:

a) Khấu trừ thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công được trả tại trụ sở chính cho người lao động làm việc tại đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh tại tỉnh khác.

Như vậy: Trường hợp người lao động làm việc tại chi nhánh, nhưng trụ sở chính trả lương thì phải phân bổ như sau:

2. Phương pháp phân bổ:

a) Phân bổ thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công:
– Người nộp thuế xác định riêng số thuế TNCN phải phân bổ đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân làm việc tại từng tỉnh theo số thuế thực tế đã khấu trừ của từng cá nhân.

– Trường hợp người lao động được điều chuyển, luân chuyển, biệt phái thì căn cứ thời điểm trả thu nhập, người lao động đang làm việc tại tỉnh nào thì số thuế TNCN khấu trừ phát sinh được tính cho tỉnh đó.

3. Khai thuế, nộp thuế:
a) Thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công:
a.1) Người nộp thuế chi trả tiền lương, tiền công cho người lao động làm việc tại đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh tại tỉnh khác với nơi có trụ sở chính, thực hiện khấu trừ thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công theo quy định và nộp hồ sơ khai thuế theo mẫu số 05/KK-TNCN, phụ lục bảng xác định số thuế TNCN phải nộp cho các địa phương được hưởng nguồn thu theo mẫu số 05-1/PBT-KK-TNCN ban hành kèm theo phụ lục II Thông tư 80/2021/TT-BTC cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp;

– Nộp số thuế TNCN đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công vào ngân sách nhà nước cho từng tỉnh nơi người lao động làm việc.
– Số thuế TNCN xác định cho từng tỉnh theo tháng hoặc quý tương ứng với kỳ khai thuế TNCN và không xác định lại khi quyết toán thuế TNCN.

a.2) Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công thuộc diện trực tiếp khai thuế với cơ quan thuế bao gồm:

– Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công được trả từ nước ngoài;

– Cá nhân không cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công phát sinh tại Việt Nam nhưng được trả từ nước ngoài;

– Cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công do các tổ chức Quốc tế, Đại sứ quán, Lãnh sự quán tại Việt Nam chi trả nhưng chưa khấu trừ thuế;

– Cá nhân nhận cổ phiếu thưởng từ đơn vị chi trả.
———————————————————————

Cách kế khai thuế TNDN cho chi nhánh hạch toán phụ thuộc:
Chi tiết theo theo Điều 17 Thông tư 80/2021/TT-BTC quy định Khai thuế, tính thuế, quyết toán thuế, phân bổ và nộp thuế TNDN:
1. Các trường hợp được phân bổ:

b) Hoạt động chuyển nhượng bất động sản;
c) Đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh là cơ sở sản xuất;

2. Phương pháp phân bổ:

b) Phân bổ thuế TNDN phải nộp đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản:
Số thuế TNDN phải nộp cho từng tỉnh nơi có hoạt động chuyển nhượng bất động sản tạm nộp hàng quý và quyết toán bằng (=) doanh thu tính thuế TNDN của hoạt động chuyển nhượng bất động sản tại từng tỉnh nhân (x) với 1%.

c) Phân bổ thuế TNDN phải nộp đối với người nộp thuế có đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh là cơ sở sản xuất:
Số thuế TNDN phải nộp tại từng tỉnh nơi có cơ sở sản xuất bằng (=) số thuế TNDN phải nộp của hoạt động sản xuất, kinh doanh nhân (x) với tỷ lệ (%) chi phí của từng cơ sở sản xuất trên tổng chi phí của người nộp thuế (không bao gồm chi phí của hoạt động được hưởng ưu đãi thuế TNDN).

– Chi phí để xác định tỷ lệ phân bổ là chi phí thực tế phát sinh của kỳ tính thuế.

Số thuế TNDN phải nộp của hoạt động sản xuất, kinh doanh không bao gồm số thuế TNDN phải nộp cho hoạt động được hưởng ưu đãi thuế TNDN. Số thuế TNDN phải nộp của hoạt động được hưởng ưu đãi được xác định theo kết quả sản xuất kinh doanh của hoạt động được hưởng ưu đãi và mức ưu đãi được hưởng.

3. Khai thuế, quyết toán thuế, nộp thuế:
b) Đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản:

b.1) Khai thuế, tạm nộp thuế hàng quý:

– Người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế quý nhưng phải xác định số thuế tạm nộp hàng quý theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này để nộp tiền thuế TNDN vào ngân sách nhà nước cho từng tỉnh nơi có hoạt động chuyển nhượng bất động sản.

b.2) Quyết toán thuế:

Người nộp thuế khai quyết toán thuế TNDN đối với toàn bộ hoạt động chuyển nhượng bất động sản theo mẫu số 03/TNDN, xác định số thuế TNDN phải nộp cho từng tỉnh theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này tại phụ lục bảng phân bổ số thuế TNDN phải nộp cho các địa phương nơi được hưởng nguồn thu đối với hoạt động chuyển nhượng bất động theo mẫu số 03-8A/TNDN ban hành kèm theo phụ lục II Thông tư 80/2021/TT-BTC cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp;

– Nộp tiền vào ngân sách nhà nước cho từng tỉnh nơi có hoạt động chuyển nhượng bất động sản.

– Số thuế đã tạm nộp trong năm tại các tỉnh (không bao gồm số thuế đã tạm nộp cho doanh thu thực hiện dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, nhà để chuyển nhượng hoặc cho thuê mua, có thu tiền ứng trước của khách hàng theo tiến độ mà doanh thu này chưa được tính vào doanh thu tính thuế thu nhập doanh nghiệp trong năm) được trừ vào với số thuế TNDN phải nộp từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản của từng tỉnh trên mẫu số 03-8A/TNDN, nếu chưa trừ hết thì tiếp tục trừ vào số thuế TNDN phải nộp từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản theo quyết toán tại trụ sở chính trên mẫu số 03/TNDN.

– Trường hợp số thuế đã tạm nộp theo quý nhỏ hơn số thuế phải nộp theo quyết toán thuế trên tờ khai quyết toán tại trụ sở chính trên mẫu số 03/TNDN thì người nộp thuế phải nộp số thuế còn thiếu cho địa phương nơi đóng trụ sở chính.

– Trường hợp số thuế đã tạm nộp theo quý lớn hơn số thuế phải nộp theo quyết toán thuế thì được xác định là số thuế nộp thừa và xử lý theo quy định tại Điều 60 Luật Quản lý thuế và Điều 25 Thông tư 80/2021/TT-BTC.

c) Đối với đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh là cơ sở sản xuất:
c.1) Khai thuế, tạm nộp thuế hàng quý:

– Người nộp thuế không phải nộp hồ sơ khai thuế quý nhưng phải xác định số thuế tạm nộp hàng quý theo quy định tại điểm b khoản 6 Điều 8 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP để nộp tiền thuế TNDN tại từng tỉnh nơi có cơ sở sản xuất, bao gồm cả nơi có đơn vị được hưởng ưu đãi thuế TNDN.

c.2) Quyết toán thuế:

– Người nộp thuế khai quyết toán thuế TNDN đối với toàn bộ hoạt động sản xuất, kinh doanh theo mẫu số 03/TNDN, nộp phụ lục bảng phân bổ số thuế TNDN phải nộp cho các địa phương nơi được hưởng nguồn thu đối với cơ sở sản xuất theo mẫu số 03-8/TNDN cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp;

– Nộp số tiền thuế phân bổ cho từng tỉnh nơi có cơ sở sản xuất.

– Riêng hoạt động được hưởng ưu đãi thuế TNDN thì người nộp thuế khai quyết toán thuế theo mẫu số 03/TNDN tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp, xác định số thuế TNDN phải nộp của hoạt động được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo mẫu số 03-3A/TNDN, 03-3B/TNDN, 03-3C/TNDN, 03-3D/TNDN và nộp tại cơ quan thuế nơi có đơn vị được hưởng ưu đãi khác tỉnh và cơ quan thuế quản lý trực tiếp.

– Trường hợp số thuế đã tạm nộp theo quý nhỏ hơn số thuế phải nộp phân bổ cho từng tỉnh theo quyết toán thuế thì người nộp thuế phải nộp số thuế còn thiếu cho từng tỉnh.
– Trường hợp số thuế đã tạm nộp theo quý lớn hơn số thuế phân bổ cho từng tỉnh thì được xác định là số thuế nộp thừa và xử lý theo quy định tại Điều 60 Luật Quản lý thuế và Điều 25 Thông tư 80/2021/TT-BTC.

4. Đối với các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty có đơn vị thành viên nếu đã hạch toán được doanh thu, chi phí, thu nhập chịu thuế thì đơn vị thành viên phải kê khai nộp thuế TNDN với cơ quan thuế quản lý trực tiếp đơn vị thành viên.
5. Trường hợp đơn vị thành viên có hoạt động kinh doanh khác với hoạt động kinh doanh chung của tập đoàn, tổng công ty và hạch toán riêng được thu nhập từ hoạt động kinh doanh khác đó thì đơn vị thành viên khai thuế TNDN với cơ quan thuế quản lý trực tiếp đơn vị thành viên.
————————————————————————————————-
Số lỗ của Chi nhánh giải thể được chuyển vào Công ty
Công văn 70486/CT-TTHT ngày 22/10/2018 của Cục thuế TP Hà Nội

“Căn cứ quy định trên, trường hợp Chi nhánh là đơn vị hạch toán độc lập, kê khai thuế TNDN riêng, nếu khi giải thể Chi nhánh, Công ty kế thừa toàn bộ nghĩa vụ và quyền lợi của Chi nhánh, cơ quan thuế đã kiểm tra quyết toán thuế tại Chi nhánh xác định số lỗ chi tiết của từng năm thì số lỗ đó được theo dõi chi tiết theo năm phát sinh và chuyển lỗ vào Công ty khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN, thời gian chuyển lỗ thực hiện theo quy định.”

Share bài viết:

 

Các Dịch vụ chúng tôi cung cấp gồm:

📍 Dịch vụ thành lập Doanh nghiệp TRỌN GÓI
📍 Dịch vụ HOÀN THUẾ
📍 Dịch vụ tư vấn đầu tư Doanh nghiệp FDI
📍 Dịch vụ tư vấn THUẾ và KẾ TOÁN trọn gói.
📍 Dịch vụ kế toán FDI
📍 Dịch vụ kiểm toán
📍 Cung cấp Hóa đơn điện tử, chữ ký số
📍 Cung cấp phần mềm kế toán.
📍 Dịch vụ xin cấp giấy phép con tất cả các loại hình như: PCCC, ANTT, ATVSTP, Giấy phép rượu, Giấy phép thuốc lá…

⏳THÔNG TIN LIÊN HỆ:
🏦CÔNG TY TNHH DV KẾ TOÁN VÀ TV THUẾ TÙNG LINH QUÂN
🏠 Trụ sở chính: 01 Phùng Hưng, Phường Thanh Khê Tây, Quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng.
🏠 Chi nhánh Sài Gòn: 48/42D Hồ Biểu Chánh, Phường 11, Quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh.
🏠 Chi nhánh Hà Tĩnh: Số nhà 12, ngõ 14/4, đường Nguyễn Du, tổ dân phố 1, P. Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh, Hà Tĩnh
📞 Điện thoại: 02363.642.044 – 0905.171.555

⌨️ Fanpage: Tung Linh Quan Accounting & Tax Agency

Xem thêm:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *