Đối tượng phải nộp thuế theo phương pháp khoán

Thuế khoán là loại thuế được áp dụng đối với hộ, cá nhân kinh doanh. Mức thuế khoán phải nộp dựa vào doanh thu hàng năm. Dưới đây là cách tính và đối tượng nộp thuế theo phương pháp khoán.

* Quy định dưới đây áp dụng đối với thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân, các loại thuế khác xem tại Điều 21 Thông tư 156/2013/TT-BTC.

Đối tượng nộp thuế theo phương pháp khoán

Điểm a khoản 1 Điều 2 Thông tư 92/2015/TT-BTC quy định:

“Cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán (sau đây gọi là cá nhân nộp thuế khoán) là cá nhân kinh doanh có phát sinh doanh thu từ kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh trừ cá nhân kinh doanh hướng dẫn tại Điều 3, Điều 4 và Điều 5 Thông tư này”.

Theo quy định trên, cá nhân nộp thuế theo phương pháp khoán là cá nhân kinh doanh có doanh thu từ kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đạt mức nhất định, trừ 03 trường hợp sau:

– Cá nhân kinh doanh nộp thuế theo từng lần phát sinh.

– Cá nhân cho thuê tài sản.

– Cá nhân trực tiếp ký hợp đồng làm đại lý xổ số, đại lý bảo hiểm, bán hàng đa cấp.

Lưu ý: Cá nhân kinh doanh là cá nhân cư trú bao gồm cá nhân, nhóm cá nhân và hộ gia đình có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc tất cả các lĩnh vực, ngành nghề sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật (theo khoản 1 Điều 1 Thông tư 92/2015/TT-BTC).

Cách tính thuế theo phương pháp khoán
Căn cứ Điều 2 Thông tư 92/2015/TT-BTC, tính thuế theo phương pháp khoán được quy định như sau:

* Đối tượng phải nộp thuế: Cá nhân kinh doanh có doanh thu > 100 triệu đồng/năm.

Lưu ý: Đối với cá nhân nộp thuế khoán thì mức doanh thu 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế giá trị gia tăng, không phải nộp thuế thu nhập cá nhân là doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân của năm.

– Đối với trường hợp kinh doanh không trọn năm (không đủ 12 tháng trong năm dương lịch) thì mức doanh thu xác định như sau:

+ Cá nhân mới ra kinh doanh; cá nhân kinh doanh thường xuyên theo thời vụ; cá nhân ngừng/nghỉ kinh doanh thì mức doanh thu 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế giá trị gia tăng, không phải nộp thuế thu nhập cá nhân là doanh thu tính thuế thu nhập cá nhân của một năm (12 tháng); doanh thu tính thuế thực tế để xác định số thuế phải nộp trong năm là doanh thu tương ứng với số tháng thực tế kinh doanh.

+ Trường hợp cá nhân nộp thuế khoán đã được cơ quan thuế thông báo số thuế khoán phải nộp, nếu kinh doanh không trọn năm thì cá nhân được giảm thuế khoán phải nộp tương ứng với số tháng ngừng/nghỉ kinh doanh trong năm.

– Trường hợp cá nhân kinh doanh theo hình thức nhóm cá nhân, hộ gia đình thì mức doanh thu 100 triệu đồng/năm trở xuống để xác định cá nhân không phải nộp thuế giá trị gia tăng, không phải nộp thuế thu nhập cá nhân được xác định cho một người đại diện duy nhất trong năm tính thuế.

– Cá nhân kinh doanh là đối tượng không cư trú nhưng có địa điểm kinh doanh cố định trên lãnh thổ Việt Nam thực hiện khai thuế như đối với cá nhân kinh doanh là đối tượng cư trú.

* Căn cứ tính thuế

Căn cứ tính thuế đối với cá nhân nộp thuế khoán là doanh thu tính thuế và tỷ lệ thuế tính trên doanh thu.

* Xác định số thuế phải nộp
Số thuế mà cá nhân kinh doanh phải nộp được tính theo công thức sau:
 Số thuế GTGT phải nộp = Doanh thu tính thuế GTGT x Tỷ lệ thuế GTGT
 Số thuế TNCN phải nộp = Doanh thu tính thuế TNCN x Tỷ lệ thuế TNCN
Trong đó:
Doanh thu tính thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân như sau:

– Là doanh thu bao gồm thuế (trường hợp thuộc diện chịu thuế) của toàn bộ tiền bán hàng, tiền gia công, tiền hoa hồng, tiền cung ứng dịch vụ phát sinh trong kỳ tính thuế từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

Trường hợp cá nhân nộp thuế khoán có sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế thì doanh thu tính thuế được căn cứ theo doanh thu khoán và doanh thu trên hóa đơn.

– Trường hợp cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu tính thuế khoán hoặc xác định không phù hợp thực tế thì cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu tính thuế khoán.

Tỷ lệ thuế tính trên doanh thu áp dụng đối với từng lĩnh vực ngành nghề như sau:

TT

Hoạt động kinh doanh

Tỷ lệ tính thuế GTGT

Tỷ lệ tính thuế TNCN

1

Phân phối, cung cấp hàng hóa.

1%

0,5%

2

Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu.

5%

2%

3

Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu.

3%

1,5%

4

Hoạt động kinh doanh khác.

2%

1%

Lưu ý:

– Trường hợp cá nhân kinh doanh nhiều lĩnh vực, ngành nghề thì cá nhân thực hiện khai và tính thuế theo tỷ lệ thuế tính trên doanh thu áp dụng đối với từng lĩnh vực, ngành nghề.

– Trường hợp cá nhân kinh doanh không xác định được doanh thu tính thuế của từng lĩnh vực, ngành nghề hoặc xác định không phù hợp với thực tế kinh doanh thì cơ quan thuế có thẩm quyền ấn định doanh thu tính thuế khoán của từng lĩnh vực, ngành nghề.

* Thời điểm xác định doanh thu tính thuế

– Đối với doanh thu tính thuế khoán thì thời điểm cá nhân thực hiện việc xác định doanh thu là từ ngày 20/11 đến ngày 15/12 của năm trước năm tính thuế.

– Đối với cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán mới ra kinh doanh (không hoạt động từ đầu năm) hoặc cá nhân thay đổi quy mô, ngành nghề kinh doanh trong năm thì thời điểm thực hiện việc xác định doanh thu tính thuế khoán của năm là trong vòng 10 ngày kể từ ngày bắt đầu kinh doanh hoặc ngày thay đổi quy mô, ngành nghề kinh doanh.

– Đối với doanh thu theo hóa đơn thì thời điểm xác định doanh thu tính thuế thực hiện theo quy định sau:
+ Đối với hoạt động bán hàng hóa là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng hàng hóa hoặc thời điểm lập hóa đơn bán hàng nếu thời điểm lập hóa đơn trước thời điểm chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng hàng hóa.
+ Đối với hoạt động vận tải, cung ứng dịch vụ là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ cho người mua hoặc thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ nếu thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ trước thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ.
+ Đối với hoạt động xây dựng, lắp đặt là thời điểm nghiệm thu, bàn giao công trình, hạng mục công trình, khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành.

Kết luận: Trên đây là quy định về đối tượng nộp thuế theo phương pháp khoán và cách tính thuế khoán. Cá nhân kinh doanh phải nộp thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân theo phương pháp khoán nếu có doanh thu > 100 triệu đồng/năm.

Cách tính thuế thu nhập cá nhân 2020 từ tiền lương, tiền công

Xem thêm: 

ĐẠI LÝ THUẾ TÙNG LINH QUÂN

Địa chỉ: 01 Phùng Hưng, Phường Thanh Khê Tây, Quận Thanh Khê, Thành phố Đà Nẵng

Điện thoại: 02363.642.244 – 02363.642.044 – 0905.171.555

Email:[email protected]

Web: https://tunglinhquan.com

FaceBook: https://www.facebook.com/DailythueTunglinhquan

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *